Breaking News

Bầu biết gì về nhau bám thấp?

Khi mang thai, nghe đến cụm từ “nhau bám thấp” các mẹ bầu thường rất hoảng sợ, bởi nghe đồn là nguy hiểm lắm. Trong thực tế, có không ít trường hợp chẩn đoán ban đầu là nhau bám thấp nhưng vào tháng cuối của thai kỳ, bánh nhau lại cách xa cổ tử cung và không còn nguy cơ chảy máu nữa.
Dù vậy, nhau bám thấp gây ảnh hưởng đến khoảng 5% mẹ bầu vào tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ và cũng được cảnh báo là một trong những tình trạng nguy hiểm của thai kỳ.
1. Nhau bám thấp là gì?
Nhau bám thấp là tình trạng bánh nhau bám vào gần lỗ trong cổ tử cung. Khi chuyển dạ hoặc có cơn gò tử cung, phần cơ tử cung ở đoạn dưới (gần cổ tử cung) sẽ giãn ra. Trong khi đó, bánh nhau không giãn đồng bộ, vì thế sẽ xuất hiện tình trạng bóc tách bánh nhau ra khỏi niêm mạc tử cung, gây chảy máu.
Nếu máu chảy nhiều, mẹ bầu có thể mất máu nặng dẫn đến trụy mạch, choáng và không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Thai nhi có nguy cơ sinh non tháng sẽ gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng.
Nhau bám thấp thường gây ra tình trạng xuất huyết âm đạo, máu có màu đỏ tươi, ra từng đợt ít hoặc nhiều, ngôi thai không thuận (ngôi mông hoặc ngôi ngang).
Tình trạng ở những bà bầu dưới 20 tuần do đoạn tử cung phía dưới chưa hình thành nên bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung có thể nhìn thấy qua siêu âm. Khi thai nhi lớn dần, đoạn dưới thành lập, kéo dài phần cơ tử cung ở gần cổ tử cung ra, bánh nhau “di chuyển” lên cao. Vì thế, có nhiều trường hợp chẩn đoán ban đầu là nhau bám thấp nhưng vào tháng cuối kỳ bánh nhau ở xa cổ tử cung và không còn nguy cơ chảy máu nữa.
Mẹ bầu nên khám định kỳ để theo dõi. Ảnh minh họa: Internet
2. Những yếu tố nguy cơ nhau bám thấp
Nhau bám thấp là một dạng nhẹ của nhau tiền đạo. Hiện nay nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định, bình thường nhau bám ở vùng đáy tử cung. Y học cho rằng khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ sự thiếu hụt này, vì vậy bánh nhau sẽ tràn xuống đoạn dưới gần cổ tử cung.
Một số yếu tố khác như: mẹ lớn tuổi, sinh dày, mổ lấy thai nhiêu lần… cũng sẽ có nguy cơ nhau bám thấp cao hơn.
Để hạn chế nhiều nguy cơ cho mẹ được chẩn đoán là nhau bám thấp, mẹ cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, ăn uống bồi dưỡng, kiêng quan hệ tình dục. Nên khám định kỳ để theo dõi xem nhau thai có di chuyển lên phía trên hay không. Đồng thời bầu cũng cần thăm khám thường để bác sĩ có thể chỉ định việc sinh thường hay sinh mổ nhằm tránh việc xuất huyết quá mức, gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Bài đăng phổ biến