Breaking News

Mẹ nên ăn gì lúc chuyển dạ?

Mẹ bầu nên ăn gì lúc chuyển dạ?
Mẹ cảm thấy những cơn đau bụng dồn dập báo hiệu bé yêu muốn chào đời. Lúc này cảm giác hồi hộp, những cơn đau khiến mẹ không màng gì đến chuyện ăn uống. Tuy nhiên, việc cung cấp dinh dưỡng trong lúc chuyển dạ lại rất cần thiết. Nên ăn ít hơn, nhiều hơn, hay không ăn gì cả? Cùng tham khảo những ý kiến của chuyên gia dưới đây.
Mẹ có thể ăn uống bình thường
Lúc trước, khi có dấu hiệu chuyển dạ, một số thai phụ hạn chế ăn uống do lo thức ăn từ dạ dày tràn vào phổi nếu bị gây mê. Ngày nay với tiến bộ về y khoa, rất ít trường hợp phải gây mê. Đồng thời tiến bộ về gây tê, gây mê đã làm giảm nguy cơ bị nôn cho sản phụ.
Trong suốt quá trình chuyển dạ, hầu hết thai phụ thấy đói và khát, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Ăn nhẹ không nguy hại gì cho thai phụ và thai nhi, thậm chí có thể giúp bạn đối phó tốt hơn với cơn đau. Nếu bạn không ăn uống đủ, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy mỡ dự trữ để tạo năng lượng cho hoạt động sống (quá trình ketosis).
Ketosis có thể gây buồn nôn, nôn, đau đầu hay kiệt sức. Trong chuyển dạ, tử cung ngày càng co bóp mạnh và nhiều để đưa thai nhi ra nhưng không làm co thắt dạ dày. Vì thế mẹ vẫn có thể ăn uống bình thường mà không sợ bị nôn.
Mẹ nên ăn gì lúc chuyển dạ?
Cung cấp ít nhất 1 lít nước mỗi 2 – 3 giờ lúc mới bắt đầu chuyển dạ. Ảnh: Getty Images
Uống gì khi chuyển dạ
Việc chuyển dạ khiến mẹ đổ nhiều mồ hôi nên cần phải cung cấp thêm nước. Đây là cách tuyệt vời để chuyển động thúc đẩy chuyển dạ, mẹ đừng lo chuyện đi tiểu. Vào thời điểm này, nước khoáng, nước lọc hay nước ép trái cây loãng, sinh tố là lựa chọn tốt cho mẹ. Không nên uống nước chanh, nước ngọt.
Ăn gì khi chuyển dạ
Hãy ăn những gì mẹ muốn. Ở giai đoạn đầu của chuyển dạ, carbohydrate là lựa chọn tốt vì chúng dễ tiêu hóa và phóng thích năng lượng chậm. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua các cơn co thắt của tử cung. Mẹ có thể ăn bánh mì, ngũ cốc, mì, khoai tây, chuối, sữa chua, bánh quy và súp.
Ở giai đoạn sau, nhấp ít nước có chứa đường vừa nhanh làm đầy dạ dày vừa cung cấp năng lượng. Tránh thực phẩm có nhiều chất béo.
Có được ăn nếu mẹ sinh mổ
Khoảng 9 – 10 trường hợp mổ lấy thai đều có gây tê ngoài màng cứng, tê tủy sống. Việc ăn uống sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh nở. Song nếu có những biến chứng kèm theo yêu cầu phải gây mê, tốt nhất bạn cần thận trọng trong ăn uống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu mẹ thấy nghi ngờ.
Nếu đã lỡ ăn và sẽ phải gây mê để mổ mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hãy cho bác sĩ gây mê biết điều đó. Bác sĩ sẽ giúp mẹ không phải hít thức ăn từ dạ dày vào đường hô hấp.
Cách duy trì dinh dưỡng trong khi chuyển dạ
- Ăn sớm để dự trữ năng lượng trong khi vượt cạn.
- Ăn thường xuyên, chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần.
- Một số sản phụ bị nôn và ăn uống không ngon miệng trong lúc chuyển dạ, dù vậy họ vẫn cần ăn. Vì vậy hãy mang theo thức ăn khoái khẩu để khi cần dùng ngay.
- Đừng để cơ thể bị mất nước. Như vậy sẽ làm mẹ mất năng lượng, xáo trộn sinh lý cơ thể và làm chậm quá trình chuyển dạ. Cung cấp ít nhất 1 lít nước mỗi 2 – 3 giờ lúc mới bắt đầu chuyển dạ. Giữa những cơn gò tử cung hãy nhấp một ít nước.
- Nếu mẹ nôn nặng khi ăn hoặc uống và được đánh giá là mất nước, y tá có thể sẽ truyền dịch cho mẹ. Việc truyền dịch sẽ giúp cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh hơn hay hồi phục sức lực cho thai phụ đang kiệt sức.

Bài đăng phổ biến