Breaking News

Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh



Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

SIDS là hội chứng đột tử ở trẻ em mà đa số những trường hợp xảy ra là với trẻ dưới 1 tuổi. Điều kỳ lạ là trước cái chết, bé sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ một triệu chứng nào lạ về sức khỏe.



Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS) chỉ trường hợp tử vong ở trẻ dưới một tuổi không thể lý giải nguyên nhân. Y văn thế giới ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do SIDS ở trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 4 tháng tuổi, khiến cộng đồng lo lắng và đặt ra nhiều nghi vấn về nguyên nhân dẫn đến những cái chết tức tưởi ấy.

Có một sự trùng hợp là các liều văcxin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này nên văcxin dễ dàng trở thành nghi vấn hàng đầu khi xảy ra tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu quy mô toàn cầu đã chỉ ra văcxin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.



Đột tử trẻ sơ sinh thường diễn ra bất ngờ đối với cả trẻ khỏe mạnh


Theo số liệu thống kê tại Mỹ năm 2010 có hơn 2.000 trẻ chết không rõ nguyên nhân. Trong đó 90% ca đột tử trong nhóm dưới 6 tháng tuổi. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới một năm tuổi, diễn tiến lặng lẽ, bất ngờ ngay cả ở những bé đang rất khỏe mạnh.

Trẻ trai bị SIDS nhiều hơn bé gái. Hội chứng này có thể liên quan đến mùa trong năm, cụ thể mùa lạnh hơn thì số ca đột tử sơ sinh nhiều hơn. Có sự khác nhau giữa các chủng tộc: Người Mỹ Phi, Mỹ gốc Ấn, gốc Alaska có tỷ lệ SIDS cao hơn người gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, gốc Á và châu Âu.

Làm gì để tránh nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh?

1. Cho bé nằm ngửa khi ngủ

Tai nạn khiến bé bị tử vong trong khi ngủ vẫn được coi là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đột tử ở trẻ từ một tháng đến một năm tuổi.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, năm 2010 có khoảng 2.000 trẻ sơ sinh đột tử khi ngủ. 90% các ca tử vong này xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhưng thực tế, hội chứng đột tử khi ngủ có thể tấn công vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đầu đời của trẻ.

Để tránh hiện tượng SIDS ở trẻ, mẹ nên đặt con nằm ngửa khi ngủ để phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy tới. Nằm ngửa luôn được khuyến cáo là giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh bởi khi bé nằm nghiêng, nguy cơ úp mặt và dẫn tới thiếu dưỡng khí, ngưng thở là điều rất dễ xảy ra.

Khoảng 3 – 4 tháng tuổi, khi đã biết lật, bé thường ngủ theo quán tính lật sấp người lại. Tư thế nằm sấp như thế rất dễ chèn ép tim và có khi bé không ngóc đầu dậy hoặc không thể trở mình lại được gây ngạt thở…. Trong trường hợp này, nếu người lớn không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho bé.

Vì thế, với trẻ dưới 12 tháng, nhất là vào ban đêm, bố mẹ cần cẩn trọng khi cho con ngủ. Tốt nhất là mua 2 chiếc gối ôm thật to và nặn tay để chặn 2 bên tay bé, tránh bé lăn đạp và lật úp bụng xuống giường.

2. Cung cấp cho bé một môi trường ngủ an toàn

Giường cũi, xe đẩy, hay bất cứ thiết bị gì mà mẹ đặt bé vào cũng cần phải đạt các yêu cầu an toàn về kỹ thuật. Khi mua hoặc sử dụng một sản phẩm như thế dành cho bé, mẹ luôn kiểm tra thông tin về sản phẩm xem có bị trục trặc kỹ thuật hay nhà sản xuất có thông báo thu hồi lại vì lỗi kỹ thuật hay không. Tuyệt đối không sử dụng xe nôi bị hư hoặc mất các bộ phận cũng như thiếu tay vịn.

Mẹ tránh để các vật mềm, các bộ đồ giường (chăn, gối, nệm, khăn trải giường) rộng thùng thình hoặc bất kỳ thứ gì có thể tăng nguy cơ khiến bé mắc kẹt, ngạt thở hoặc bóp nghẹt gần hoặc trong nôi. Mẹ nên biết gối, chăn bông, da cừu, các vật kê, lót hoặc các đồ chơi nhồi bông cũng có thể khiến bé bị ngộp thở.

Hơn nữa, mẹ không nên ủ ấm quá kỹ hoặc đắp chăn trùm kín mặt bé khi ngủ bởi việc làm này dễ khiến trẻ đột tử. Do đó, cha mẹ luôn chú ý tới bé lúc ngủ, phải đảm bảo rằng nhìn thấy đầu và mặt của bé.

3. Không khói thuốc



Mẹ bầu tuyệt đối không được hút thuốc để tránh nguy cơ đột tử cho con


Thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Những người phụ nữ giữ thói quen hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai sẽ khiến cho đứa trẻ sau này sinh ra dễ bị khả năng đột tử cao vì chất độc trong khói thuốc tác động trực tiếp vào vùng não nơi kiểm soát hệ thống hô hấp của bào thai.

Theo một báo cáo y khoa chuyên đề về hiện tượng dị ứng, miễn dịch, hệ hô hấp ở trẻ em, các nhà nghiên cứu tìm thấy chất nicotin trong não bào thai bị đột tử, họ cho rằng chính chất này đã tác động mạnh đến quá trình phát triển của não trẻ, làm ngưng giảm chức năng kiểm soát hệ hô hấp của bào thai.

Do đó thuốc lá vô cùng độc hại cho bà bầu và trẻ sơ sinh. Mẹ càng hút thuốc lá, nguy cơ trẻ bị SIDS càng cao. Mẹ hãy bảo vệ con bằng cách để không khí quanh bé sạch và thoáng, đừng để ai hút thuốc gần bé, mẹ cần kiểm tra những nơi cho bé đến, kiểm tra kỹ cả cửa sổ hoặc lỗ thông hơi dẫn tới trẻ.

4. Hạn chế cho bé ngủ cùng bố mẹ

Các bậc cha mẹ có con dưới 4 tháng tuổi cũng nên biết rằng việc cho con ngủ chung cũng là một yếu tố nguy cơ rất lớn. Theo một nghiên cứu công bố ngày 14-7 của Viện Nhi khoa Mỹ, ngủ chung giường là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS), cũng như gây ra các vấn đề liên quan tới giấc ngủ dẫn đến trẻ tử vong.

Cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ là thói quen của rất nhiều các bậc phụ huynh, đặc biệt là ở các gia đình không có điều kiện. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nguy cơ đột tử ở trẻ khiến nhiều người hoang mang.

Nguyên nhân có thể do: bố/mẹ ngủ say vô tình làm bé ngạt thở, bé bị kẹt giữa bố và mẹ (nếu nằm giữa) hoặc bị kẹt ở khoảng giữa tường và giường (nếu nằm sát tường), bị chăn mền làm ngạt thở… Các nhà khoa học đưa ra là đặt trẻ nằm riêng trong cũi được thiết kế rộng rãi, bằng phẳng và đặt gần giường cha mẹ.

5. Cho trẻ bú sữa mẹ

Một nghiên cứu lớn của Đức công bố năm 2009 cho thấy bú sữa mẹ có liên quan tới việc giảm nguy cơ hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS). Được bú mẹ không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể của trẻ, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trẻ được bú mẹ ít nhất là 1 tháng giảm 50% nguy cơ SIDS.

6. Cân nhắc sử dụng núm vú giả

Các nghiên cứu cho thấy rằng ngậm núm vú giả có thể giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Song một số người lại cho rằng việc ngậm vú giả có thể khiến trẻ bỏ bú mẹ. Dưới đây là một số lưu ý khi mẹ cho bé dùng núm vú giả:

- Trẻ bú mẹ không nên ngậm vú giả trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh để học cách quen với việc bú sữa mẹ.

- Đừng ép bé sử dụng núm vú nếu bé không thích.

- Giữ núm vú sạch sẽ, và mua một cái mới nếu núm vú bị hư hỏng.

- Không để núm vú dính mật ong, rượu, hoặc bất kỳ chất nào khác.


Bài đăng phổ biến