Breaking News

Mẹ bầu dễ sảy thai vì bị bệnh tuyến giáp



Mẹ bầu dễ sảy thai vì bị bệnh tuyến giáp

Mẹ bầu có tiền sử về bệnh tuyến giáp phải hết sức thận trọng khi có các dấu hiệu của thiểu năng tuyến giáp để có biện pháp xử lý kịp thời.



Khi bà mẹ mang thai bị bệnh tuyến giáp sẽ có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ và thai nhi. Ở nước ta nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp cao nhất là miền núi vì khu vực này nằm trong vùng thiếu iốt. Vì thế phát hiện và xử lý kịp thời bệnh tuyến giáp khi có thai sẽ giảm được các biến chứng nguy hiểm.

Tuyến giáp nằm ở trước cổ, có vai trò điều tiết chuyển hóa, điều chỉnh quá trình giải phóng năng lượng của cơ thể. Tuyến giáp có thể to lên trong thai kỳ nếu lượng iốt trong thức ăn hằng ngày không đủ. Nguyên nhân là khi có thai, tuyến giáp tăng cường thu nạp iốt để bảo đảm tiến độ bình thường của sản xuất hoóc-môn.

Các hoóc-môn tuyến giáp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, nhất là não bộ. Phụ nữ mang thai có tiền sử về bệnh tuyến giáp phải hết sức thận trọng khi có các dấu hiệu của thiểu năng tuyến giáp như: Không chịu được lạnh, dễ mệt mỏi, da khô, tăng cân; phù ở vùng quanh hố mắt; xét nghiệm TSH (hoóc-môn kích thích tuyến giáp) tăng trong máu, T4 (thyroxine) thấp.

Nguy cơ khi có thai bị bệnh tuyến giáp:

Trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Trong những tuần đầu có thai, là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan của thai nhi, nếu thiếu hormon sẽ gây nên những biến chứng nặng nề.

Hậu quả của suy giáp gây tăng huyết áp ở mẹ, với thai nhi gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, rau bong non và đặc biệt trẻ để ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ. nếu bị cường tuyến giáp (ít gặp hơn) nhưng cũng có thể gây nên những biến chứng như sảy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, đẻ non. Nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ có thể gây tử vong mẹ và con rất cao.

Dấu hiệu cường năng tuyến giáp:

Có nhiều biểu hiện giống thai nghén bình thường; không chịu được nóng, da ấm, không tăng cân tuy vẫn ăn uống bình thường, thậm chí ăn nhiều hơn khi có thai; tăng nhịp tim cả khi nghỉ, tay bị run rẩy, lo âu, mắt lồi.




Bà mẹ nào cần được theo dõi bệnh tuyến giáp khi mang thai?

Những thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp nếu:

* Đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp trước khi có thai như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần , bướu nhân tuyến giáp…

* Có tiền sử trong gia đình có người thân ( bố, mẹ, chị em…) bị bệnh tuyến giáp.

* Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước.

* Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh…

* Bị bệnh đái tháo đường túp 1, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus)

Những phụ nữ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám ở các khoa nội tiết ngay khi biết có thai để thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm máu (hormon FT4, TSH), nếu nghi ngờ cần siêu âm tuyến giáp và các xét nghiệm đặc biệt.

Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và con còn đảm bảo cho những đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ tốt…và giảm thiểu các biến chứng.

Điều trị:

Người bệnh cường tuyến giáp cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết và sản khoa theo dõi chặt chẽ vì có thể gặp biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở. Tình trạng tăng chuyển hóa trong bệnh này có thể là nguyên nhân gây đẻ non, sinh con thiếu cân hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, dẫn đến nhiễm độc thai nghén…

Việc điều trị cần có sự tham gia của thầy thuốc chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa sản. Những thai phụ thiểu năng tuyến giáp cần dùng thyroxin trong suốt thời kỳ mang thai với liều lượng thay đổi vì tuổi thai càng tăng thì nhu cầu nội tiết cũng tăng lên. Nếu không được điều trị thích hợp, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và có khuyết tật bẩm sinh, kể cả chứng đần độn… sẽ tăng cao.
Nên đọc
Món ăn bài thuốc an thai dành cho mẹ bầu
Bà bầu có được nằm võng không?

Với cường năng tuyến giáp, cần dùng thuốc kháng giáp tổng hợp propylthriouracil (PTU) liều lượng điều chỉnh theo diễn biến lâm sàng và lượng thyroxin trong máu. Propylthriouracil ít khả năng đi qua bánh rau và sữa mẹ, có thể coi là thuốc thích hợp nhất.

Thuốc này có thể làm cho việc tiết hoóc-môn kích thích tuyến giáp của thai nhi bị ức chế, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh bướu giáp tạm thời hoặc suy tuyến giáp.Với những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn.

Các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường và suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi. Vì vậy các bà mẹ mang thai nếu mắc bệnh tuyến giáp hoàn toàn có thể yên tâm điều trị.

Bài đăng phổ biến